Kỷ luật hay là chết: Thói quen tuy khó nhưng lại là dễ nhất để đi đến thành công

"Kỷ luật chính là tự do. Người vô kỷ luật sẽ chỉ là nô lệ cho cảm xúc, sự thèm muốn và say mê." - nhà giáo dục nổi tiếng Stephen Covey.

Mới đây, một cựu nhân viên của Vingroup là ông Trần Chí Hiếu (còn gọi là Hiếu Orion) đã chia sẻ trong 3 năm làm việc tại tập đoàn này, ông Hiếu đã học được một điều quan trọng nhất từ vị tỷ phú Phạm Nhật Vượng - người Việt Nam đầu tiên lọt top 500 người giàu nhất thế giới của Forbes để khởi nghiệp tuổi 40, đấy chính là: Kỉ luật!

"Kỷ luật là thứ duy nhất sẽ khiến cho sáng tạo được bền vững. Bạn có thể lười biếng, ngủ lê ngủ lết và bạn vẫn có thể nảy ra một ý tưởng mới. Nhưng để ngày nào cũng phải nghĩ ra ba ý tưởng hay, thì bạn phải thay đổi. 

Kỷ luật tạo ra sức ép! Nếu như bạn không có sức ép cho bản thân, sức ép giúp đồng đội, sức ép của sứ mệnh mà bạn phải làm khi đã "lỡ" sinh ra trên đời thì bạn sẽ thả lỏng chính bạn. Có thể bạn không chết đói, nhưng để mà phát triển mạnh hay để giúp được những người xung quanh bạn, hoặc để lại 1 thứ gì đó trong đời, thì, khó lắm!"

Jocko Willink, cựu chỉ huy đặc nhiệm SEAL, cũng đồng quan điểm: "Nếu bạn muốn tự do thì bạn cần phải có kỉ luật. Bạn càng kỉ luật bản thân bao nhiêu thì bạn càng có thể làm những gì mình muốn. Điều đó sẽ không đúng ngay từ đầu, bởi lẽ ban đầu, kỉ luật có thể là những thứ bạn không hề muốn làm, nhưng khi bạn càng làm nhiều những điều bản thân không muốn thì bạn càng làm nhiều những điều đúng đắn. Và chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mình ngày càng giỏi hơn và có nhiều tự do hơn".  


Kỉ luật bản thân là hành động dựa vào lý trí thay vì cảm xúc nhất thời của bạn. Nó là việc vượt qua lòng ham thích và và nỗi sợ trong hiện tại vì mục đích ý nghĩa hơn cho cuộc sống. 

Tính tự kỉ luật luôn là điểm yếu của phần lớn chúng ta, kết quả hiển nhiên là bạn sẽ thấy mình thiếu khả năng để làm vô số việc mà mình muốn. Chẳng có ai muốn chui ra khỏi chăn trong một ngày rét buốt, chẳng ai muốn ngày chủ nhật phải dậy 6 giờ sáng, nhưng ham muốn ấy nên chịu sự kiểm soát bởi lý trí có mục đích của mỗi người. Với lối sống tự chủ và kỷ luật, bạn đang kỳ thực chăm sóc sức khỏe của chính mình, đầu tư tốt cho bản thân để gặt hái những lợi ích bền vững và có giá trị đến suốt đời.

Hiểu bản thân mình trước tiên

Tự kỷ luật nghĩa là hành xử theo điều mà bạn thấy là tốt nhất, bất kể cảm xúc của bạn trong hiện tại ra sao. Do đó, đặc điểm đầu tiên của kỷ luật chính là thấu hiểu bản thân. Bạn cần phải xác định xem hành vi nào sẽ thể hiện tốt nhất các mục tiêu và giá trị của mình. Quá trình này đòi hỏi bạn phải tự tìm hiểu, tự phân tích bản thân và nó sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi bạn viết ra. Việc viết ra như vậy giúp bạn hiểu rõ hơn mình là ai, thứ mà mình mong muốn và những giá trị với chính mình.

Nhận thức có ý thức

Kỷ luật phụ thuộc vào sự nhận thức có ý thức về những gì bạn đang làm và những gì bạn đang không làm. Khi bạn bắt đầu xây dựng tính tự kỷ luật, bạn sẽ nhận thức thấy mình đang làm những việc vô kỷ luật, thậm chí vô nghĩa, ví dụ như kiểm tra facebook hay check mail liên tục. Để xây dựng đức tính kỷ luật, bạn cần phải có thời gian và điểm mấu chốt ở đây là bạn phải nhận thức được hành vi vô kỷ luật của mình. Nó tạo cơ hội cho bạn ra quyết định hành động đúng với mục tiêu và giá trị của mình.

Quyết tâm áp dụng kỷ luật

Không chỉ là viết ra mục tiêu và giá trị của bản thân. Bạn cần phải có sự cam kết bên trong chính bản thân đối với những điều đó. Bạn phải quyết tâm làm bằng được, nếu không, khi chuông đồng hồ reo lúc 5h sáng thì bạn sẽ thấy chẳng hại gì nếu bấm nút tắt và tự nhủ "thêm 5-10 phút nữa thôi" và bạn vẫn cứ mãi giậm chân tại chỗ thôi.

Can đảm để đổi lấy những gì tốt đẹp hơn

Kỷ luật là một việc làm cực kỳ khó khăn. Cảm xúc, dục vọng, và đam mê có thể là những lực cản rất lớn mà bạn phải đối mặt. Do đó, tính kỷ luật phụ thuộc rất nhiều vào lòng can đảm. Hãy xây dựng lòng can đảm để đối mặt với khó chịu và mệt mỏi. Hãy bồi đắp dần bởi những chiến thắng bản thân nhỏ nhặt, sự tự tin của bạn sẽ lớn mạnh hơn và lòng can đảm để có được tính tự kỷ luật sẽ đến dễ dàng hơn.

Cái giá của việc giữ kỷ luật luôn ít hơn nỗi đau của sự hối tiếc

Hãy khắc ghi câu nói này khi đang cảm thấy do dự hoặc sắp làm gì đó sai trái. Bạn có thể mất một vài năm của hiện tại để đổi lấy 20, 30 năm hay thậm chí là toàn bộ năm tháng còn lại của cuộc đời mỉm cười trong mãn nguyện. 

Sinh Hồng/ Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét