Lãnh đạo không được bổ nhiệm người thân vào các vị trí ‘nhạy cảm’ - Bài học từ lịch sử

Mới đây, các đại biểu Quốc hội vừa thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng. Dự thảo này quy định người đứng đầu và cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước không được phép bổ nhiệm người thân vào các vị trí “nhạy cảm”. 

“Người thân” ở đây bao gồm “vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh vợ, chị vợ, em vợ”. 
Các vị trí “nhạy cảm” ở đây là: công tác tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, thủ quỹ, thủ kho hoặc các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng. 
Trong lịch sử Việt Nam, các triều đại phong kiến đã sớm nhận ra và ngăn chặn nguy cơ tham nhũng từ vấn nạn “con ông cháu cha” này. 

Dự thảo quy định người đứng đầu và cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước không được phép bổ nhiệm người thân vào các vị trí “nhạy cảm”. (Ảnh: VTC)

Chế độ “thí quan” thời Lê Thánh Tông và Minh Mệnh: Tiến cử “bừa” bị phạt nặng 
Hiểu rõ rằng “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn”; nước thịnh hay suy đều do “vua hiền – tôi sáng” quyết định, nên vua Lê Thánh Tông (1442-1497) và vua Minh Mệnh (1791-1841) đã thực hiện tuyển chọn quan lại chủ yếu bằng hình thức khoa cử công khai, minh bạch. Ngoài ra, các ông còn khuyến khích quan lại tiến cử người hiền tài để triều đình xem xét, tuyển chọn, không bỏ lỡ những hiền tài ẩn sỹ trong dân chúng. 
Người được tuyển chọn phải trải qua một thời gian làm “thí quan”. Nếu làm tốt họ sẽ được bổ nhiệm làm “chính quan”, ngược lại, nếu làm không tốt họ sẽ bị bãi miễn. 
Để tránh việc “tiến cử bừa” hòng tham nhũng và tạo lập phe cánh, các ông quy định: nếu quan lại nào tiến cử đúng người tài giỏi thì được triều đình khen thưởng, ngược lại thì bị phạt rất nặng. 
Bằng con đường khoa cử và tiến cử minh bạch, công bằng, vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mệnh đã lựa chọn được những quan lại hiền tài, tránh được căn bệnh “chạy chức chạy quyền”, “mua quan bán chức”, “con ông cháu cha”.

Vào thời vua Lê Thánh Tông nếu quan lại nào tiến cử đúng người tài giỏi thì được triều đình khen thưởng, ngược lại thì bị phạt rất nặng. (Ảnh: Cancer Treatment)

Chế độ “hồi tỵ” thời Lê Thánh Tông và Minh Mệnh: Người thân quen không được làm quan cùng một chỗ
Để ngăn ngừa tình trạng gây bè, kéo cánh, câu kết tham nhũng, vi phạm pháp luật, vua Lê Thánh Tông, vua Minh Mệnh cũng ban hành và thực hiện nghiêm túc chế độ “hồi tỵ”. 
Trong Bộ luật Hồng Đức, triều đình quy định những điều khoản phải “hồi tỵ”: Cha con, thầy trò, anh em, vợ chồng, thông gia… không được làm quan cùng một chỗ, không được tổ chức thi cùng một nơi. 
Vua Minh Mệnh cũng đề ra những quy định “hồi tỵ” tương tự: Cha con, anh em ruột, chú bác, cô dì, những người có quan hệ thông gia, thầy trò thì không được làm quan cùng một chỗ; ai quê ở phủ, huyện nào thì phải đổi đi phủ, huyện khác; người có quan hệ thông gia, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ. 
Những quy định trong chế độ “hồi tỵ” được áp dụng dưới hai triều vua nói trên rất cụ thể, đối tượng, phạm vi áp dụng rộng, chế tài áp dụng nghiêm khắc đã góp phần làm cho bộ máy Nhà nước được củng cố, tránh tình trạng cục bộ, bè phái, quan lại câu kết với nhau trong những vấn đề nhạy cảm của nền hành chính, như tuyển dụng, khen thưởng, đề bạt, tham nhũng.

Cha con, thầy trò, anh em, vợ chồng, thông gia… không được làm quan cùng một chỗ, không được tổ chức thi cùng một nơi. (Ảnh: vnhot.net)

Trần Hưng Đạo tiến cử người, dùng người không vị tình riêng, không tự ý phong tước
Trần Hưng Đạo (?-1300), còn được gọi là Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất có công lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh dẹp đế quốc Nguyên – Mông.
Trần Hưng Đạo khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước. Nhiều nhân tài nổi tiếng thời bấy giờ đều do ông tiến cử. Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông, có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự.
Hưng Đạo Vương còn có một tấm lòng chính trực, vị tha, vì đại nghĩa mà dẹp tình riêng. Hưng Vũ Vương Nghiễn là con trai của ông, được lấy Công chúa Thiên Thụy, thế nhưng tướng Trần Khánh Dư lại thông dâm với Thiên Thụy, khiến nhà vua phải xuống chiếu trách phạt và đuổi Khánh Dư về Chí Linh vì “sợ phật ý Quốc Tuấn”.
Tuy nhiên khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ 3, Trần Hưng Đạo đã gạt bỏ hiềm riêng, tin cậy “giao hết công việc biên thùy cho phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư” khi ông này được phục chức. Ngoài ra, khi soạn xong “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, thì Trần Khánh Dư cũng là người được ông chọn để viết bài Tựa cho sách.
Vì có công lao lớn nên nhà vua gia phong ông là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong trước rồi tâu sau. Nhưng Trần Hưng Đạo chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi quân Nguyên vào xâm chiếm nước Việt, ông lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực, ông rất kính cẩn giữ tiết làm tôi.

Trần Hưng Đạo khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, nhiều nhân tài nổi tiếng thời bấy giờ đều do ông tiến cử. (Ảnh: Pinterest)

Đưa bà con thân thích vào vị trí “béo bở”: Lợi ít, hại nhiều
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng như những vị quan thanh liêm trong lịch sử đã từ chối sử dụng quyền chức để trục lợi cho cá nhân mình, gia đình mình. Họ sống một đời rất đường hoàng, tự tại, thác đi cũng để lại tiếng thơm cho con cháu. Họ đều là những người trí tuệ, khôn ngoan, chứng tỏ sự lựa chọn thanh liêm của họ là có sự cân nhắc, có cơ sở.
Ngày nay, có quan niệm cho rằng “Một người làm quan, cả họ được nhờ” nghĩa là người có quyền chức tìm cách vơ vét “lộc chùa” về cho gia đình, rồi đưa bà con thân thích của mình vào Nhà nước, lo lót cho họ ngồi vào cái “ghế” béo bở, giải quyết vấn đề sinh kế cho người thân. Nếu suy nghĩ kỹ, cái “được nhờ” kiểu này lợi ít mà hại nhiều, chưa hẳn là phúc, có khi lại là hoạ.
Khi lãnh đạo các cơ quan Nhà nước đưa người thân trong gia đình vào làm ở các vị trí “nhạy cảm” của đơn vị mình, thì cái “lợi” vật chất có thể thấy được là: Người thân có việc làm ổn định trong Nhà nước, ngoài lương còn có “lậu”, người cùng một nhà dễ “nói chuyện”, kết thành “dây”, bè cánh, dễ bề che giấu cho nhau hòng kiếm lợi.
Còn cái hại thì lại rất nhiều: không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, không chỉ hữu hình mà còn vô hình, cả vật chất lẫn tinh thần. Cả người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm đều chịu thiệt hại.

Một công viên chức lương thấp vẫn có người chạy bằng được để xin vào mục đích không gì khác là truy cầu sự an nhàn ỷ lại, ngoài lương còn có “lậu” mà lậu thì gấp vạn lần lương. (Ảnh: CafeF)

Thứ nhất: Tổn hại danh dự, uy tín, nhân phẩm
Lãnh đạo cơ quan, tổ chức mà đưa người thân thích của mình vào làm nhân sự, kế toán, thủ kho… ắt bị người trong cơ quan dị nghị. Người được lo vào cái ghế kia cũng không thể ngẩng cao đầu vì bị gắn mác “con ông cháu cha”, cho dù có năng lực thật đi nữa cũng khó có thể đường đường chính chính mà làm. Trong công việc, cần nhất là sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau giữa cấp dưới và cấp trên, giữa các đồng nghiệp. Nhưng chỉ vì sự việc bổ nhiệm người thân này mà cả hai đều đánh mất điều quý giá đó.
Thứ hai: Nguy cơ bị tố cáo, mất chức, tù tội
Sự cạnh tranh trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước là tương đối gay gắt, dù là người đứng đầu, cũng không thể đảm bảo rằng không có kẻ đang thừa cơ trục lợi từ sơ hở của bạn. Hơn nữa, những vị trí “nhạy cảm” như kế toán, thủ quỹ, nhân sự kia càng bị nhiều người dòm ngó, thèm muốn. Một khi để người thân ngồi vào ghế đó rồi, thì chính là như cưỡi lên lưng hổ, trở thành bia ngắm của rất nhiều sự công kích.
Nếu người đảm nhận vị trí kia làm việc cẩn thận, trách nhiệm, trong sạch thì còn đỡ, dẫu lời ra tiếng vào. Còn nếu người được bổ nhiệm thu lợi bất chính, tham ô công quỹ, một khi bị tố giác, mất chức và tù tội, cả gia đình chịu ô nhục, hối hận có còn kịp không?
Thứ ba: Gia đình gặp tai hoạ
Kinh Dịch viết: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh/ Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà tích thiện ắt có nhiều niềm vui/ Nhà tích chứa điều ác ắt gặp tai ương). Cậy chức cậy quyền, cậy quan hệ để làm việc bất chính, chưa nói đến ác báo lâu dài, trước mắt có thể nhìn thấy được hậu quả lên con trẻ trong nhà.
Đứa trẻ sinh ra trong gia đình quan chức, từ nhỏ đã nhìn thấy cảnh không cần nỗ lực học tập cũng giành được chỗ tốt, sẽ sinh ra tâm thái ỷ lại, lười biếng, kiêu ngạo, hành vi không thận trọng. Cha mẹ cho chúng tiền bạc và công việc, nhưng đã lấy đi của chúng những phẩm chất cơ bản để làm người, để lập chỗ đứng trong xã hội mất rồi.

Đứa trẻ sinh ra trong gia đình quan chức, từ nhỏ đã nhìn thấy cảnh không cần nỗ lực học tập cũng giành được chỗ tốt, sẽ sinh ra tâm thái ỷ lại, lười biếng. (Ảnh: El Huffington Post)

Thứ tư: Tổn hao sức khoẻ, tinh thần bất ổn
Nhiều người khi về già, trải qua hết những thăng trầm của cuộc sống mới nhận ra rằng: Thân tâm thanh thản là điều trân quý nhất.
Tiền bạc nhiều mấy cũng không mang được xuống suối vàng, danh tiếng địa vị bỗng chốc hoá hư không. Vậy mà vì chúng một đời tranh đấu, một đời tạo nghiệp, sức khoẻ tổn hao, lao tâm khổ tứ. Khi còn ở trong thế cuộc thì dễ bị mê theo thói đời, làm việc chẳng nên làm; nhưng nếu có thể bình ổn trầm tĩnh nghĩ về tương lai, thì tin rằng chúng ta sẽ có được chọn lựa sáng suốt.
Ngân Hà
https://www.dkn.tv/
0 Nhận xét