Thói quen có ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Khổng Tử từng nói: “Bản chất của con người là giống nhau, chính thói quen là điều khiến mỗi người trở nên khác biệt”. Trong khi những thói quen tốt có khả năng tăng cường sức khỏe và nâng cao hiệu suất lao động thì những thói quen xấu chính là vật cản tiến lên.
Có rất nhiều thói quen tốt được nhắc đi nhắc lại mỗi lần nhưng ở đây, tôi muốn nói đến những thói quen có tính khái quát hơn để bạn tự định hướng cuộc sống:
Quyết tâm theo đuổi mục đích
Trong nghiên cứu của Tạp chí Tâm lý học lâm sàng, khoảng 54% những người thể hiện quyết tâm thay đổi cuộc sống không kéo dài quyết tâm đó được quá 6 tháng. Và trung bình chúng ta thực hiện điều đó tới 10 lần mà chẳng đạt được thành công.
Biết mình cần làm gì không phải là vấn đề. Vấn đề thực sự là phải quyết tâm thực hiện nó! Nhiều người trong số chúng ta không biết cách để duy trì những thói quen tốt để thay đổi chất lượng cuộc sống. Bí quyết nằm ở: Sự kiên định, Nhất quán và Kiên trì.
Để tạo ra được những thói quen tốt buộc bạn phải có được mục tiêu và sự kiên trì một cách nhất quán, đủ để chúng trở nên quen thuộc đến không thể thiếu. Đây cũng là kỹ năng khó nhất mà William James – triết gia, nhà tâm lý học nổi tiếng nước Mỹ từng chia sẻ.
Dành những giờ đầu tiên của một ngày cho những việc làm đem lại giá trị cao
Đừng bắt tay vào làm việc khi bạn chưa biết hôm nay mình cần làm được gì. Hãy lên kế hoạch và ngay lập tức bắt tay vào làm việc, bạn sẽ cảm thấy một dòng chảy nhiệt huyết đang tuôn trào. Và bởi thế, hãy đảm bảo việc đầu tiên bạn bắt tay vào làm là công việc đem lại giá trị cao nhất trong ngày đó.
Những công việc lặt vặt như kiểm tra thông báo hay trả lời email thực sự sẽ khiến bạn bị xao nhãng và mất tập trung vào điều quan trọng nhất. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, một người mất trung bình 23 phút để tập trung trở lại sau một sự gián đoạn nhỏ. Vì thế, hãy dồn hết tâm sức cho những công việc quan trọng vào đầu ngày và để dành những công việc nhỏ hơn vào cuối ngày, đồng thời nghỉ xả hơi sau ngày dài căng thẳng.
Tập trung cho một việc duy nhất
Thời đại công nghệ đem đến rất nhiều sự quấy nhiễu, khiến bạn mất tập trung. Nếu bạn thực sự phải hoàn thành một công việc quan trọng nào đó, hãy cho nó một hạn mức về thời gian cụ thể và đẩy bản thân vào áp lực hoàn thành, để tâm trí không “dạo chơi” ở những mẩu quảng cáo hay những đoạn phim ngắn lướt qua trên mạng xã hội.
Bạn có thể thử kỹ thuật Pomodoro để cải thiện khả năng tập trung giải quyết vấn đề một cách gọn gàng. Kỹ thuật này khuyên bạn nên tập trung cao độ vào 1 việc trong khoảng 30 phút, nghỉ 5 phút rồi lại quay lại công việc hoặc bắt đầu công việc mới. Và nên nhớ, chỉ cho đôi tay, đôi mắt nghỉ ngơi thôi chứ không phải là tranh thủ lướt web, lên MXH tán gẫu đâu nhé.
Học – Học nữa – Học mãi
Một trong những cách tốt nhất để nâng cao khả năng, từ đó thay đổi cuộc sống là tích lũy kiến thức. Bạn có thể vẫn còn đi học hay đã ra trường, bạn có thể học ở thư viện hay quán cà phê… miễn là bạn thực sự quan tâm đến những gì mình đang trau dồi và tận dụng tối đa thời gian để học tập.
Những người biết dành thời gian và sự kiên trì để tự trau dồi kiến thức chính là những người được giáo dục thực sự trên thế giới này. Hãy nhìn vào những doanh nhân, học giả nổi tiếng hay nhân vật lịch sử nào đó, bạn sẽ nhận thấy dù họ có qua các trường lớp đào tạo chính quy hay không thì họ vẫn là những sản phẩm thành công của việc tự học liên tục.
Học tập suốt đời là cách giải đáp mọi câu hỏi trong cuộc sống. Bạn không cần phải biết hết mọi thứ, hãy tìm lấy thứ khiến bạn hứng thú và bắt đầu tìm hiểu. Tìm các blog, trang web hay khóa học trực tuyến để mở rộng chân trời kiến thức của bạn, bạn sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều.
Sử dụng tư duy đường vòng để giải quyết vấn đề
Điều này có nghĩa là, hãy đặt vấn đề ở một góc độ khác để đưa ra cách giải quyết ổn thỏa nhất. Với cách nhìn nhận này, mỗi việc đều có nhiều cách giải quyết mà bạn không thể tưởng tượng được hết. Chúng là cách nghĩ phá vỡ những quy tắc ngầm hiểu, giải thoát bạn khỏi những điều nhàm chán và dậm chân tại chỗ.
Hãy phá vỡ tư duy thẳng đứng mà tìm hiểu vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, tin tưởng vào những kết quả độc đáo sẽ xảy đến…
Dành 5 phút mỗi ngày để thực hành chánh niệm
Chánh niệm là khi một người tập trung toàn bộ cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ của mình vào một sự vật, sự việc và không có bất cứ phán xét gì tại một thời điểm nhất định trong hiện tại. Chánh niệm không phải là thiền định, cũng không cần phải làm vào mỗi sáng sớm. Mỗi ngày, bạn đều có thể thực hành chánh niệm bất cứ lúc nào và chỉ cần 5 phút vỏn vẹn để thấy những thay đổi trong tâm trí.
Chánh niệm giúp bạn bình tâm hơn, quên đi quá khứ và ngừng lo lắng về tương lai. Nó sẽ giúp bạn mở ra những nguồn thông tin phong phú mà chúng ta đã bỏ lỡ - thứ có thể giúp bạn thoát khỏi những vòng xoáy xô bồ và lựa chọn được những quyết định đúng đắn hơn.
Đọc sách mỗi ngày
Nếu bạn chưa biết thì đọc sách là các để não bộ hoạt động tích cực hơn, là bài tập thể dục cho tâm trí. Con người mới chỉ phát minh ra việc đọc vào khoảng vài ngàn năm trước đây. Và với phát minh này, chúng ta sắp xếp lại chính tổ chức bộ não của chúng ta, từ đó mở rộng cách để tư duy và tiến hóa trí tuệ giống loài. Não bộ có một khả năng liên kết phi thường mà đọc là nhân tố để kết nối các cấu trúc và khiến não hoạt động hiệu quả nhất. Không giống các phương tiện truyền thông hiện đại, đọc cho chúng ta thời gian để suy nghĩ , xử lý và tưởng tượng câu chuyện từ chính những kinh nghiệm sống mỗi ngày.
Đọc cũng cần có sự kiên nhẫn, siêng năng và quyết tâm cao độ. Nhưng có được thói quen này, chúng ta không những có được một nguồn kiến thức vô tận mà còn sống được khỏe mạnh, lâu dài hơn.
Tìm hiểu nhiều hơn về thế giới
Mỗi một công việc, một miền đất, một nền văn hóa… đều có những điểm riêng khác biệt mà bạn không thể nào biết hết. Dù bạn có học hành giỏi giang đến đâu thì tất cả cũng chỉ như “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi, miệng giếng của bạn có thể to rộng nhưng bầu trời thì là vô tận.
Bởi thế, nếu có cơ hội, đừng ngại tìm hiểu các nền văn hóa, ngôn ngữ hay những ý tưởng mới. Hãy cởi mở với các cuộc thảo luận, không ngại chia sẻ quan điểm của bạn. Bạn sẽ học được rất nhiều điều đặc biệt.
Nghỉ ngơi để khôi phục tinh thần
Khi bạn đã học quá nhiều, đã làm quá chăm chỉ, điều còn lại duy nhất đôi khi chỉ là một ngày nghỉ ngơi. Né tránh những thông báo, những lời nhắc nhở để tắt điện thoại, tắt email không phải là xấu, nếu bạn thực sự cần một khoảng thời gian trống rỗng.
Hoặc đôi khi, cuộc sống khiến bạn mệt mỏi đến mức muốn buông tay. Lúc đó, bạn có thể thay đổi môi trường, phong cách, thói quen… để vượt ra khỏi những điều bình thường. Dậy sớm 15 phút để đi bộ vài vòng hay ngồi thiền hoàn toàn là một việc nên làm khi bạn cảm thấy quá nặng nề trong đầu óc.
Nghỉ ngơi không hoàn toàn là thư giãn tại một bãi biển đầy nắng. Đó là cách nói cho việc bạn nên tìm sự tươi mới, thậm chí ngớ ngẩn nhưng có thể mang lại năng lượng mới cho cuộc sống.
Hoài Thu
Tri Thức Trẻ