Học từ thành công của người khác cho ta cảm hứng. Nhưng học từ những kinh nghiệm thất bại mới thật sự giúp ta mạnh lên.
Hãy cùng xem xét các kinh nghiệm thất bại sau:
1. Thất bại bởi thiếu vốn.
Đầu tiên là tiền đâu. Doanh nghiệp được thành lập nhưng do doanh chủ không nắm vững về dòng tiền (cash-flow), hay nói cách khác là không biết lúc nào mình cần bao tiền và có bao tiền, dẫn đến thiếu hụt chi phí để vận hành (costs of staying in business hay operating capital), kết quả là “dặt dẹo” và chết yểu trước khi kịp có cơ hội để thành công. Cái này gọi là “gục ngã trước cổng thiên đường”.
Bài học: Lập kế hoạch kinh doanh, trong đó có kế hoạch tài chính để tiên lượng được ‘cash-flow’, tức mạch máu nuôi sống doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn mới sinh, còn non nớt là việc làm bắt buộc để có thể đi tới thành công.
2. Thất bại bởi phát triển nóng quá.
Doanh chủ lầm tưởng phát triển mạnh, mở rộng nhanh đồng nghĩa với thành công. Đổ vốn mở rộng ồ ạt (thuê thêm người, mua thêm máy, thiết lập thêm cửa hàng) một cách liều lĩnh hòng bao phủ, chiếm lĩnh thị trường trong thời gian ngắn để rồi phá sản không phải là trường hợp quá hiếm. Cái này gọi là “chết vì ăn nhầm cám con cò.”
Bài học: Tập trung cho tăng trưởng chậm, chắc nên là ưu tiên hàng đầu đối với ‘startup’ và chỉ xem xét mở rộng khi đã có một ‘cash-flow’ ổn định, một ‘customer base’ (tập khách hàng) vững chắc và nhận thấy những tín hiệu như nhu cầu của khách hàng không được đáp ứng kịp thời hay người lao động không bắt kịp với yêu cầu sản xuất (tức là đã ‘test’ được các ‘assumptions’ khi xây dựng mô hình kinh doanh).
3. Thất bại bởi yếu kém về quản lý.
Thông thường khi mới khởi nghiệp, doanh chủ có nguồn lực, kiến thức và kinh nghiệm rất hạn chế, đặc biệt là về các mặt tài chính, mua sắm đầu vào, bán hàng, sản xuất, thuê và quản lý lao động. Thế nhưng, để tiết kiệm chi phí (cut costs), họ ôm đồm bao sân gần như mọi việc. Điều này dẫn đến thảm họa phá sản. Cái này thì có thể gọi là “chết vì thiếu hiểu biết.”
Bài học: Nếu không có kiến thức, kinh nghiệm tương ứng thì ‘startup’ hoặc phải nhanh chóng học để nắm bắt, hoặc tuyển dụng nhân sự có trình độ hay thuê dịch vụ bên ngoài. Một doanh chủ thành công nhất định là một người lãnh đạo, một nhà quản trị giỏi, có khả năng tuyển dụng đúng người, phân công đúng việc, tạo ra một môi trường làm việc đầy hứng khởi để nhân viên phát huy hết năng lực, tối đa hóa năng suất làm việc.
4. Thất bại bởi khởi nghiệp vì những động cơ sai lầm (đây là trường hợp phổ biến nhất).
Bạn nhìn các gương khởi nghiệp thành công và thấy ở họ tiền bạc, địa vị, sự tự do. Và bạn lấy đó làm những lý do, động cơ cho mình để khởi nghiệp. Bạn đã phạm sai lầm. Bởi bạn bỏ qua mất phần chìm, là những nỗ lực, những đắng cay mà những người thành đạt đó đã trải qua.
Bài học xương máu: Khởi nghiệp chỉ có thể xuất phát từ những lý do, động cơ đúng đắn.
Trước hết là ĐAM MÊ, SỰ ÁM ẢNH
Đam mê và ám ảnh về việc muốn/đang làm là điều kiện tiên quyết. Bán bánh mì, bạn yêu bánh mì. Bán giáo dục, bạn phải bị giáo dục ám ảnh.
Thứ hai là THÁI ĐỘ TÍCH CỰC.
Bạn phải luôn luôn nhìn về phía trước, tin tưởng vào việc đang làm và kiên trì theo đuổi nó.
“Success is built on ealier failures”.
Thất bại chưa bao giờ làm bạn nản lòng, trái lại, thất bại làm cho bạn mạnh mẽ dần lên. Bạn không bao giờ lẩn tránh thất bại, mà biết cách ‘kết bạn’ với thất bại, để học hỏi từ nó.
Và thứ ba, quan trọng bậc nhất, là YÊU MẾN CỘNG SỰ.
Con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. “Hoà khí sinh tài”.
Một khi bạn có một đội ngũ cộng sự tin yêu, đoàn kết chặt chẽ, tương trợ lẫn nhau, thì bạn đã có một nền tảng vững chắc để khởi nghiệp, lúc đó mọi gian nan chỉ còn là thử thách.
Sài Gòn ngày rất đẹp, 08.08.2018
Nguyễn Anh Tuấn (Anthony)
Chủ tịch Opalese Việt Nam
“Trải nghiệm Úc châu theo cách của bạn”